Aikido là gì? Bạn đã biết gì về bộ môn võ thuật xuất xứ từ đất nước mặt trời mọc sử dụng sức mạnh của đối thủ để hạ gục chính họ chưa? Hãy cùng WikiSport tìm hiểu chi tiết về môn võ này nhé!
1. Võ Aikido là gì?
Aikido là môn võ có xuất xứ từ Nhật Bản, do tổ sư Morihei Ueshiba (1883-1969) sáng lập vào đầu thế kỷ 20 trên cơ sở các môn võ cổ truyền như: Nhu thuật (Jujitsu), Kiếm thuật (Kenjutsu) và thương thuật (Sojutsu).
Tên gọi Aikido được ghép bởi 3 chữ đó là “Ai” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “ki” có nghĩa là khí, tinh thần và “do” có nghĩa là đạo, con đường. Chính vì thế Aikido còn được gọi với tên gọi khác là hiệp khí đạo.
Trong võ Aikido luôn đề cao, chú trọng vào rèn luyện bản thân với tôn chỉ ”Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”. Vì vậy, khi tập luyện hay thi triển Aikido sẽ lấy nhu thắng cương, dùng chính sức mạnh của đối thủ để chiến thắng họ bằng các đòn ném và khóa đối phương.
Tại Việt Nam, Aikido bắt đầu được truyền bá từ năm 1958 do hai ông Đặng Thông Trị và Đặng Thông Phong. Trong đó, ông Đặng Thông Phong từng trực tiếp thụ giáo Ueshiba Morihei và được Ueshiba trao ủy nhiệm thư, chính thức ủy quyền cho thành lập Tổng cục Aikido Tenshinkai để phát triển võ Aikido tại Việt Nam.
Xem thêm: Muay Thái là gì
2. Võ phục và đai trong Aikido
Võ phục chuẩn dùng trong môn võ Aikido gồm áo khoác có màu trắng và một chiếc quần ống rộng với 7 nếp gấp màu đen hoặc chàm gọi là Hakama.
Các nếp gấp ở của võ phục Hakama gồm 5 nếp gấp trước và 2 nếp gấp sau với tên gọi riêng, tượng trưng cho 7 đức tính của võ đạo. Cụ thể như sau:
- Yuki: Lòng quả cảm, sự dũng cảm, tính gan dạ
- Jin: Lòng nhân ái, khoan dung và rộng lượng.
- Gi: Sự công bằng, ngay thẳng và chính trực.
- Rei: Nghi lễ, sự lịch thiệp, lễ độ.
- Makoto: Sự chân thành, trung thực.
- Chugi: Lòng trung thành.
- Meiyo: Danh dự, uy tín, vinh quang.
Tuy nhiên hiện nay tại một số võ đường người ta không bắt buộc phải mặt Hakama hay chỉ mặc khi đã lên huyền đai.
Đối với đai chuẩn trong Aikido sẽ bắt đầu từ đai màu trắng (sơ đẳng), tiếp đến là đại màu xanh dương (1 gạch, 2 gạch, 3 gạch), sau đó đến đai màu nâu (1 gạch, 2 gạch, 3 gạch) và cuối cùng là đai màu đen. Ở mỗi cấp độ, khi lên cấp sẽ đòi hỏi một số yêu cầu kiểm tra khác nhau. Ngoài ra, tại một số võ đường, những võ sinh chưa đủ 16 tuổi sẽ không được phép tham gia kiểm tra để lên đai đen.
3. Sự khác biệt giữa Aikido và những môn võ khác
Hiện nay các môn võ được rất nhiều người theo tập như: Taekwondo và Karatedo... đều là những môn lấy cương (tấn công) làm nền tảng tuy nhiên đối với Aikido lại khác biệt, trái ngược hoàn toàn. Đối với Aikido người tập sẽ lấy nhu đạo làm gốc, sử dụng nhu để thắng cương, hiểu theo cách khác chính là lấy sức mạnh của đối thủ để chiến thắng chính họ.
Ngoài ra khi tập luyện Aikido không đòi hỏi võ sinh phải có sức khoẻ hay thể chất quá tốt nhưng lại yêu cầu, đề cao một ý chí tinh thần. Đối với Aikido thì trọng tâm sẽ là điểm tập trung năng lực của con người, đó chính là khí, nội lực và có thể khuếch trương hay phát triển niệm ý trên các phương diện khác chứ không bó buộc trong một phạm vi chật hẹp như các môn võ thuật khác.
Đối với võ Aikido đề cao tính tự bảo vệ bản thân khi bị tấn công chứ không bao giờ tự gây hấn trước. Và trong Aikido hoàn toàn không có những đòn, thế, kỹ thuật tấn công mạnh mẽ như các môn võ học khác. Người tập khi đạt đến một trình độ nhất định sẽ nắm bắt được những kỹ thuật tự vệ và luôn luôn được nhắc nhở, nhấn mạnh là không được hủy hoại hoặc gây tổn thương nặng cho đối thủ.
Tìm hiểu thêm: Taekwondo là gì
4. Những đối tượng nào phù hợp tập võ Aikido?
Aikido chính là môn võ mà tất cả mọi người đều có thể tham gia tập luyện. Một số đối tượng được khuyến khích nên học Aikido là:
- Các bé có thể trạng yếu, hay mắc một số bệnh của trẻ nhỏ như hô hấp, hen suyễn, bị suy dinh dưỡng...
- Những người có tính tình nóng nảy và bốc đồng.
- Những người có cá tính riêng biệt, thích độc lập và có tính tự lập cao.
- Những trẻ, người có thân hình nhỏ nhắn, đặc biệt là các bé gái.
- Những người muốn học võ thuật với một mục đích bảo vệ bản thân.
5. Tập Aikido mang đến cho bạn những lợi ích gì?
- Cải thiện sức khỏe thể chất: Aikido rất tốt cho việc điều hòa hiếu khí, tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt, cải thiện tư thế, nâng cao ý thức về thời gian, phản ứng tốt hơn, cải thiện cân bằng và cải thiện sức khỏe tim mạch tốt hơn, giảm huyết áp.
- Cải thiện tinh thần: Ngoài tất cả những lợi ích tuyệt vời về thể chất, còn có nhiều lợi ích về tinh thần bao gồm: tăng khả năng thư giãn, tập trung và nhận thức. Bạn cũng sẽ rèn luyện sự kỷ luật và tự tin cao hơn và có thể đối phó với các tình huống căng thẳng một cách tích cực và bình tĩnh hơn. Rất nhiều người nhận thấy rằng họ có thể giải quyết các xung đột một cách dễ dàng hơn nhờ luyện tập Aikido.
- Giúp bạn đối đầu với những khó khăn, thử thách: Aikido là một quá trình mà bạn học cách vượt qua và giải quyết mọi loại xung đột. Thông qua đào tạo Aikido, nhận thức, tính quyết đoán và sức mạnh nội tâm phát triển một cách tự nhiên. Người ta học cách đón nhận những thử thách trong cuộc sống cũng như trong công việc và học tập khi luôn tin rằng mình có thể vượt qua.
- Bảo vệ bản thân tốt hơn: Aikido là một môn võ mọi đối tượng đều có thể tập luyện khi không chú trọng thể chất. Tập Aikido bạn sẽ học được cách bảo vệ bản thân khi phải đối mặt với nguy hiểm nhờ biết cách dùng chính sức mạnh của đối thủ để hạ gục họ.
6. Các kỹ thuật cơ bản trong Aikido
- Đòn ikkyō: là một đòn kiểm soát, đặt một tay lên củi trỏ và một tay gần cổ tay để ấn uke xuống đất. Tư thế này cũng gây ra áp lực lên dây thần kinh ở củi trỏ của đối thủ.
- Đòn nikyō: là một đòn khóa cổ tay làm vặn tay và gây đau đớn cho đối thủ.
- Đòn sankyō: là một đòn vặn hướng xoắn lên gây đau toàn bộ tay, củi trỏ và vai của đối thủ.
- Đòn yonkyō: đòn này kiểm soát vai tương tự ikkyō, chỉ khác là cả hai tay giữ cẳng tay.
- Đòn gokyō: là một biến thể của đòn ikkyō, trong đó tay nắm cổ tay là ngược lại. Đòn này thường sử dụng để tước vũ khí của đối thủ.
- Ném bốn hướng shihōnage: bàn tay bị gập lại ra sau vai, khóa khớp vai.
- Phản đòn cẳng tay (kotegaeshi): một đòn ném - khóa cổ tay kéo giãn cơ duỗi các ngón tay.
- Ném thập tự (jūjinage): một đòn ném mà khóa tay lại với nhau.
- Ném xoay (kaitennage): nage luồn tay ra sau cho tới khi khóa được khớp vai, sau đó ấn lên phía trước để ném.
Có thể bạn quan tâm: Dụng cụ võ thuật
Trên đây, WikiSport chia sẻ những thông tin cụ thể giúp độc giả giải thắc mắc về Aikido là gì? Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này mọi người sẽ hiểu rõ về bộ môn võ thuật xuất xứ từ Nhật Bản này nhé.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về nhiều môn võ khác nhau hãy truy cập vào trang tin tức của WikiSport vào chuyên mục bộ môn võ thuật để tham khảo nhé!
WikiSport phân phối hàng trăm mẫu Máy Chạy Bộ, Xe Đạp Tập, Ghế Tập Gym, Giàn Tạ Đa Năng và các thiết bị thể thao khác... giá tốt, chất lượng, giao hàng Toàn Quốc nhanh chóng.