Làm thế nào để tâng cầu được nhiều, đá cầu lưới tốt hơn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Nếu bạn đang tìm kiếm lời giải đáp cho vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết chia sẻ của WikiSport về cách đá cầu đúng kỹ thuật từ các HLV chuyên nghiệp này nhé!
1. Các yếu tố để trở thành người đá cầu giỏi
Đá cầu là một bộ môn thể thao hay được biết đến là trò chơi dân gian quen thuộc và thu hút đông đảo lượng người tham gia tập luyện. Hiện nay môn đá cầu được chia làm 2 hình thức chơi đó chính là đá cầu nghệ thuật và đá cầu thi đấu (đá cầu lưới), có những hình thức, màu sắc đặc trưng riêng... Tuy nhiên để biết cách đá cầu và trở thành một người giỏi trong bộ môn này thì mọi người phải hội tụ những yếu tố như sau:
- Năng khiếu đá cầu: đối với bất kỳ môn thể thao nào một trong những thứ giúp mọi người trở thành một VĐV, người chơi giỏi thì yếu tố năng khiếu thiên bẩm sẽ giúp bạn dễ dàng làm quen, thành thạo các động tác kỹ thuật nhanh hơn so với người bình thường.
- Đá cầu đúng kỹ thuật: trong môn đá cầu yêu cầu sự khéo léo trong từng động tác như tâng cầu, đá cầu. Chính vì thế để trở thành một người giỏi trong môn đá cầu không thể bỏ qua yếu tố thực hiện đúng kỹ thuật được.
- Tập luyện chăm chỉ: đá cầu là môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai, sự linh hoạt, nhạy bén. Cho nên để trở thành người đá cầu giỏi cần phải trải qua thời gian kiên trì tập luyện nghiêm túc để nâng cao kỹ thuật của bản thân. Lưu ý, cho dù là người có năng khiếu để đá cầu giỏi thì cũng phải tập luyện chăm chỉ.
- Trang bị giày đá cầu phù hợp: đây là một trong những yếu tố bổ trợ giúp quá trình tập luyện thoải mái, dễ thực hiện các động tác kỹ thuật đá cầu hơn. Theo các HLV chia sẻ: giày đá cầu mỏ vịt là loại giày có bề mặt tiếp xúc rộng, phẳng giúp người chơi dễ dàng tâng cầu, xử lý các tình huống trong khi thi đấu tốt hơn, người mới tập có thể sử dụng loại giày này.
Giày đá cầu làm bằng da lộn được thiết kế hình dáng giống mỏ vịt với bề mặt tiếp xúc rộng tăng khả năng bắt cầu, tấn công. Giày phù hợp với mọi đối tượng.
2. Nguyên tắc tập tâng cầu dành cho người mới
Để có thể nhanh chóng làm quen và tăng khả năng tâng cầu được nhiều lần, người mới tập đá cầu nên áp dụng theo các nguyên tắc tập luyện như sau:
- Làm quen với tốc độ cầu rơi: hãy tung cầu lên theo nhiều độ cao khác nhau để tập quan sát tốc độ rơi.
- Làm quen với các động tác kỹ thuật: trước khi tập tâng cầu hãy cố gắng làm quen bằng cách tập luyện mô phỏng các động tác mà không dùng đến cầu.
- Thực hiện bài tập: sau khi quen với các tư thế tâng cầu thì bước vào buổi tập chính thức bạn nên tập theo phương pháp tâng bằng 1 chân, sau đó mới tập tâng bằng hai chân.
3. Hướng dẫn cách tâng cầu cơ bản
Theo các HLV cách đá cầu cơ bản thì điều đầu tiên đó chính là học tâng cầu. Trong đó tâng cầu gồm 4 kỹ thuật như sau: tâng cầu bằng đùi, tâng cầu bằng mu bàn chân, tâng cầu bằng má trong bàn chân, tâng cầu bằng má ngoài bàn chân.
3.1. Kỹ thuật tâng cầu bằng đùi
Cách tâng cầu bằng đùi được các HLV chuyên nghiệp đánh giá là kỹ thuật dễ thực hiện nhất bởi vì đùi có bề mặt tiếp xúc rộng, giúp người mới dễ dàng làm quen hơn.
Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật tâng cầu bằng đùi chuẩn nhất như sau:
- Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng, hai chân hơi khuỵu gối, rộng bằng vai, chân thuận tiếp xúc với đất bằng phần mũi chân, trọng tâm cơ thể dồn vào chân còn lại. Tay cùng bên với chân thuận cầm cầu.
- Tung cầu lên cao khoảng 50cm, mắt hướng theo cầu. Khi cầu hơi xuống nhanh chóng co đầu gối lên để đỡ cầu. Lưu ý, đùi song song với mặt đất là vị trí thích hợp nhất để tiếp xúc với quả cầu.
- Khi cầu chạm đùi nảy lên cao thì di chuyển theo hướng cầu rơi để chuẩn bị tâng lần tiếp theo. Chú ý mắt luôn phải nhìn cầu trong suốt quá trình tập.
3.1. Kỹ thuật tâng cầu bằng mu bàn chân
Cách tâng cầu bằng mu bàn chân là kỹ thuật được mọi người áp dụng nhiều nhất trong đá cầu nghệ thuật và đá cầu lưới.
Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật tâng cầu bằng mu bàn chân như sau:
- Tư thế đứng hơi khuỵu gối, hai chân rộng bằng vai, mũi bàn chân thuận đặt sau gót chân còn lại, trọng tâm cơ thể dồn về phía chân trước. Cầm cầu bằng tay cùng chiều với chân thuận.
- Sau đó, tung cầu lên cao khoảng 50cm, mắt nhìn theo cầu. Trong quá trình cầu rơi thì thực hiện động tác nhấc chân thuận, sử dụng mu bàn chân để đỡ cầu và tâng cầu lên cao. Nếu cầu rơi xa người quá thì bạn nên vươn chân ra xa hơn hoặc di chuyển đến vị trí phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi đỡ cầu tốt nhất.
3.2. Kỹ thuật tâng cầu bằng má trong bàn chân
So với 2 kỹ thuật tâng cầu bằng mu bàn chân và đùi thì động tác này có độ khó cao hơn, thường áp dụng khi đỡ các đường cầu chính diện trong thi đấu đá cầu.
Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật tâng cầu bằng má trong bàn chân như sau:
- Bạn đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai, tay cùng chiều với chân thuận cầm cầu ở vị trí ngang hông.
- Tung cầu một cách tự nhiên lên cao khoảng 50 – 60cm, mắt dõi theo cầu để phán đoán thời gian rơi xuống. Khi cầu rơi xuống thì nhanh chóng thực hiện động tác mở gối, nâng má trong bàn chân thuận lên để tiếp xúc với đế cầu.
- Sau khi cầu tiếp xúc với chân bay lên cao, tiếp tục dõi mắt theo cầu, nếu cầu bay ra xa người thì di chuyển đến vị trí phù hợp để thực hiện động tác tiếp cầu tiếp theo.
3.3. Kỹ thuật tâng cầu bằng má ngoài bàn chân
Trong 4 cách tâng cầu thì kỹ thuật tâng cầu bằng má ngoài bàn chân được đánh giá là khó tập nhất đối với tất cả người chơi đá cầu.
Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật tâng cầu bằng má ngoài bàn chân như sau:
- Đứng thẳng người, tay cùng chiều với chân thuận cầm cầu ở vị trí ngang hông, hai chân rộng bằng vai, mắt nhìn cầu.
- Tung cầu lên cao, đánh mắt theo chuyển động của cầu, khi cầu rơi xuống thì gập gối, nhấc chân thuận để má ngoài tiếp xúc với cầu.
4. Cách đá cầu lưới (đá cầu thi đấu) giỏi
Với đá cầu nghệ thuật thì mọi người chỉ cần chú trọng đến tâng cầu là đủ, tuy nhiên đá cầu thi đấu (đá cầu lưới) thì lại khác, chỉ tâng cầu giỏi là chưa đủ. Để trở thành một VĐV, người chơi giỏi trong thể thức đá cầu thi đấu thì yêu cầu người chơi phải có thêm nhiều kỹ thuật, cách đá cầu khác nhau. Cụ thể như sau:
4.1. Kỹ thuật phát cầu
Phát cầu là một trong những kỹ thuật cơ bản của môn đá cầu. Với mục đích không chỉ là đưa cầu vào cuộc đấu mà còn là một trong những kỹ thuật tấn công để giành điểm trực tiếp hoặc gián tiếp. Kỹ thuật này được thực hiện ở khu vực phát cầu, phía sau đường biên ngang cuối sân. Để phân biệt các kỹ thuật khi phát cầu, người ta thường căn cứ vào vị trí của mu bàn chân lúc tiếp xúc với cầu và tư thế phát cầu.
Đối với kỹ thuật phát cầu gồm 4 kiểu chính: phát cầu thấp chân chính diện, phát cầu thấp chân nghiêng mình, phát cầu cao chân chính diện, phát cầu cao chân nghiêng mình.
Hướng dẫn thực hiện kỹ thuật phát cầu như sau:
- Đứng chân trước chân sau, chân phát cầu để sau. Mũi bàn chân sau chống xuống đất và hơi xoay ra ngoài, hai gót chân cách nhau khoảng 30 - 40cm, trọng tâm cơ thể dồn vào chân trước, thân người hơi khom. Tay cùng bên chân chuẩn bị phát cầu hơi gập khuỷu tay, bàn tay để ngửa trước bụng cầm đế cầu, tay còn lại để tự nhiên dọc theo thân người. Đây là tư thế chuẩn bị.
Phát cầu chính diện:
- Tay cầm cầu tung nhẹ cầu lên cao ngang tầm mắt, sao cho điểm rơi của cầu cách phía trước mu bàn chân đá khoảng 50cm.
- Khi cầu rơi xuống, chân phía sau tung về trước duỗi căng chân và để mu bàn chân tiếp xúc với cầu khi cách mặt sân khoảng 20 - 30cm (với phát cầu thấp chân chính diện) và 60 – 70cm (với phát cầu cao chân chính diện).
Xem thêm: Kích thước sân đá cầu
Phát cầu nghiêng mình:
- Tay cầm cầu, tung cầu nhẹ lên cao ngang tầm vai chếch ra phía trước về phía chân đá sao cho điểm rơi của cầu cách mu bàn chân đá 60 - 80cm.
- Lúc cầu rơi xuống, thân trên hơi xoay sang bên chân thuận, chân đá quét ngang theo đường vòng cung từ sau ra trước để mu bàn chân tiếp xúc với cầu cách mặt sân khoảng 20 - 30cm (với phát cầu thấp chân nghiêng mình), 70 – 90cm (với phát cầu cao chân nghiêng mình).
4.2. Kỹ thuật tấn công
Trong hình thức đá cầu thi đấu thì điều quan trọng nhất chính là ghi thật nhiều điểm về cho đội của mình. Cho nên để trở thành một người chơi giỏi, mọi người phải nắm các kỹ thuật tấn công như: đánh đầu tấn, đánh ngực tấn công, đá móc, đá vô lê bằng lòng bàn chân, tấn công bằng lòng bàn chân (quét cầu, bạt cầu, đẩy cầu, xiết cầu)…
Dưới đây là hướng dẫn một số kỹ thuật tấn công trong đá cầu cơ bản nhất:
- Đánh đầu tấn công: đây là loại kỹ thuật sử dụng phần diện tích của trán để tiếp xúc và điều khiển cầu khi cầu bay ở độ cao từ trán trở lên. Kỹ thuật này được sử dụng khá hiệu cả trong tấn công lẫn phòng thủ.
- Đá móc bằng mu bàn chân: đây là kỹ thuật thường được sử dụng ở gần sát trên lưới trong lần chạm cầu thứ hai bằng cách quay hẳn lưng vào lưới và nghiêng một góc khoảng 30 độ, cách lưới 50 - 70cm. Chân không thuận đặt trước, chân đá đặt sau, trọng tâm của cơ thể dồn đều vào hai chân, hai tay để tự nhiên dọc thân người, lưng thẳng, mắt quan sát cầu mà đồng đội sẽ chuyền cho. Khi cầu rơi cách mặt sân khoảng 1.5 - 1.7m và gần lưới, người chơi chuyển trọng tâm của cơ thể sang bàn chân trước sau đó kết hợp với kiễng gót bàn chân trụ, ngả người ra sau, vung chân thuận ra trước lên cao về phía cầu.
- Đánh ngực tấn công: là một trong những kỹ thuật cơ bản của đá cầu cũng vừa có thể sử dụng để phòng phủ, đồng thời làm phương án tấn công, gây nhiều bất ngờ cho đối phương, đẩy họ vào chỗ bị động, lúng túng, giúp đội mình giành điểm. Khi thực hiện động tác, người chơi sử dụng phần diện tích trước ngực bắt đầu từ núm vú đến xương quai xanh để khống chế những đường cầu đối phương đá sang cao trên hông và dưới đầu hoặc dùng để chắn các đường cầu khi đối phương đá vô lê (cúp cầu), vít cầu ở sát lưới.
- Đá vô lê bằng mu bàn chân (cúp xuôi): với những quả cầu được đồng đội chuyền tới ở sát lưới, trên cao thì một trong những kỹ thuật tấn công hiệu quả, dễ ghi điểm nhất đó chính đá vô lê bằng mu bàn chân. Khi quả cầu được chuyền tới gần lưới, người chơi chuyển trọng tâm cơ thể sang chân trụ và hơi ngả người ra sau, đồng thời lăng chân đá lên cao ra trước. Người lúc này hơi xoay, áp mặt về phía lưới. Tiếp đó, người chơi lăng nhanh cẳng chân, gập bàn chân, dùng mu chính diện tiếp xúc với cầu và đá vô lê (cúp cầu) sang sân đối phương.
Trên đây là toàn bộ những thông tin được WikiSport tổng hợp từ các HLV chuyên nghiệp chia sẻ về cách đá cầu. Hi vọng rằng sau khi tham khảo bài viết này mọi người sẽ biết cách để tâng cầu được nhiều hơn và nâng cao trình độ của bản thân khi tham gia đá cầu lưới, đá cầu nghệ thuật nhé!
WikiSport phân phối hàng trăm mẫu Máy Chạy Bộ, Xe Đạp Tập, Ghế Tập Gym, Giàn Tạ Đa Năng và các thiết bị thể thao khác... giá tốt, chất lượng, giao hàng Toàn Quốc nhanh chóng.