icon cart0

Luật chơi & Cách chơi môn BÓNG CHÀY dành cho người mới

Trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều người đang quan tâm và tìm kiếm những thông tin về bộ môn bóng chày như bóng chày là gì, luật chơi bóng chày, cách chơi bóng chày... Để giúp mọi người hiểu hơn về môn thể thao thú vị này hãy cùng với WikiSport tham khảo bài viết chia sẻ dưới đây nhé!

1. Giới thiệu về môn bóng chày

Bóng chày có tên tiếng anh là Baseball. Đây là môn thể thao đồng đội được bắt nguồn ở Mỹ từ những năm 1800. Sau đó bộ môn này nhanh chóng phát triển và thu hút lượng lớn người tham gia tại rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica, Cuba, Panama, Venezuela, Nicaragua, México, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan…

Môn bóng chày này phù hợp với mọi độ tuổi, giới tính và để chơi tốt môn thể thao này, người chơi chỉ cần phải nắm vững một số kỹ năng cơ bản như: ném bóng, chụp bóng, đánh bóng, chạy gôn.

Tại Việt Nam, môn thể thao này dù đã du nhập vào từ nhiều năm trước, tuy nhiên bóng chày vẫn là môn thể thao khá xa lạ và ít người tham gia chơi vì nhiều lý do khác nhau như: đặc trưng môn thể thao, điều kiện sân bãi... Đặc biệt trong vài năm gần đây thì lượng người tham gia chơi bộ môn này đang tăng dần và vào ngày 10/4/2021 Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam được thành lập.

Giới thiệu về môn bóng chày

2. Các thuật ngữ cơ bản trong môn bóng chày

Thực tế hiện nay môn bóng chày này so với các bộ môn thể thao khác như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn vẫn còn xa lạ đối với rất nhiều người. Dưới đây là một số thuật ngữ bóng chày cơ bản nhất từ đó giúp mọi người hiểu hơn về bộ môn này. Cụ thể như sau:

2.1. Thuật ngữ về các vị trí thi đấu trong bóng chày

Trên sân bóng chày sẽ có 9 vị trí thi đấu khác nhau. Các vị trí trong bóng chày sẽ tương ứng với một thuật ngữ như sau:

  • Pitcher: là người ném bóng về phía Catcher.
  • Catcher: là người bắt những quả bóng mà Pitcher ném tới (Pitcher và Catcher cùng một đội đang chơi phòng ngự).
  • First Baseman: là VĐV canh gôn số 1, nhiệm vụ là chụp lại tất cả những đường bóng ném tới từ đồng đội tại vị trí khu vực Infielder (khu vực trong sân).
  • Second Baseman: là VĐV bảo vệ gôn số 2, nhiệm vụ là bắt những trái bóng từ khu vực Outfielder (khu vực ngoài sân).
  • Third Baseman: là VĐV canh gôn số 3, nhiệm vụ là chụp bóng khi Batter đối thủ đánh bóng trước khi bóng chạm đất.
  • ShortStop: là VĐV ở vị trí trung tâm, chuyên chơi phòng thủ.
  • Left Fielder: cũng là VĐV phòng ngự, đứng ở vị trí ngoài sân phía bên trái.
  • Center Fielder: là VĐV phòng ngự vị trí giữa sân, nhiệm vụ chụp bóng khi Batter đánh và quyết định ai là người chụp bóng khi bóng bay giữa các khu vực Outfielder.
  • Righ Fielder: là VĐV phòng ngự, đứng ở vị trí ngoài sân phía bên phải.

Thuật ngữ về các vị trí thi đấu trong bóng chày

2.2. Thuật ngữ trong thi đấu môn bóng chày

Trong các trận thi đấu môn bóng chày thì các VĐV sẽ sử dụng các thuật ngữ như sau:

  • Strike out: khi Batter (người đánh bóng) đội đối thủ vung chày nhưng không đập trúng bóng (cho dù bóng lỗi hay không) hoặc đập trúng nhưng bóng bay ra ngoài biên thì mỗi lần như vậy sẽ được tính là 1 Strike. Sau 3 lần Strike VĐV sẽ bị loại (out).
  • Fly out: khi Batter đập trúng bóng nhưng bóng bị cầu thủ của đội phòng ngự bắt khi chưa kịp chạm đất thì Batter sẽ bị loại.
  • Ground out: khi Batter đập trúng bóng và bắt đầu chạy về gôn, bóng chạm đất nhưng cầu thủ của đội phòng ngự bắt được bóng và ném về gôn trước khi Batter kịp tới nơi. Batter sẽ bị loại.
  • Tag out: khi Batter đập trúng bóng và chạy về gôn, nhưng bị VĐV của đội phòng ngự đang giữ bóng chạm vào người thì Batter sẽ bị loại.
  • Double play: loại cùng lúc hai người.
  • Tripple play: loại cùng lúc 3 người.
  • Foul: khi Batter đập bóng ra ngoài biên (vạch Foul hai bên sân bóng).
  • Ball: Pitcher ném bóng lỗi, bóng nằm ngoài vùng Strike và Batter không đập. Theo luật bóng chày thì cứ 4 lần Ball sẽ được tính bằng 1 Walk (4 balls = 1 walk).
  • Dead ball: khi Pitcher ném bóng trúng người Batter thì Batter sẽ được Walk.
  • Walk: khi VĐV ném bóng Batter được phép đi bộ lên chiếm gôn 1 sau 4 lần Pitcher ném bóng lỗi hoặc bị ném bóng trúng vào người.
  • Bunt: với các trường hợp bóng nảy, khi Batter giơ ngang chày ra trước vị trí bắt bóng của catcher để đón bóng sẽ được gọi là Bunt.
  • Squeeze: Bunt khi có Runner (người chạy về chiếm gôn) ở Base 3.
  • Safe: đội tấn công chiếm được gôn an toàn.
  • Out: khi VĐV chạy lên chiếm gôn (hoặc cầu thủ đánh bóng) của đội tấn công bị loại, hoặc Batter nhầm thứ tự đập bóng hay đánh được về vị trí Home run nhưng khi chạy về quên đạp lên gôn thì sẽ bị Out.
  • Home run: khi Battter đánh bóng ra ngoài sân, trong vùng giữa hai vạch Foul, chạy 1 vòng quanh 3 gôn và khi trở lại gôn được tính là 1 Home.
  • Steal (cướp gôn): khi VĐV bên tấn công đứng ở các gôn đã chiếm được bắt đầu chạy khi Pitcher vừa ném bóng để tranh thủ cơ hội chiếm vị trí gôn tiếp theo.
  • No hit, no run: khi Pitcher không mắc bất kỳ lỗi ném bóng nào trong trận.
  • Perfect game: đây là cụm từ để chỉ trận thắng tuyệt đối khi trong suốt 9 hiệp đội thua không chiếm được gôn bất kỳ một lần nào.
  • Called game: đây là cụm từ để chỉ một đội thua trước khi đấu hết 9 hiệp (thường là ở hiệp 5 hoặc hiệp 7, do quá cách biệt về tỷ số). Quy định về Called game khác nhau tùy theo hình thức giải đấu (giải chuyên nghiệp hay không chuyên, vòng loại hay vòng bán kết...).

Thuật ngữ trong thi đấu môn bóng chày

2.3. Thuật ngữ về các kiểu ném trong bóng chày

Đối với bộ môn bóng chày thì có rất nhiều kiểu ném bóng khác nhau và tương ứng với mỗi kiểu sẽ có tên gọi cụ thể như sau:

  • Fast ball: bóng thẳng, tốc độ cao.
  • Off speed: chậm hơn Fast ball, có thể được ném với nhiều quỹ đạo.
  • Breaking ball: một loại Off speed, bóng thay đổi quỹ đạo khi bay.
  • Curve ball: Breaking ball, bóng xoáy (cong), vòng về bên trái hoặc phải, độ xoáy lớn.
  • 12-6 curveball: là một loại Curve ball, bóng xoáy xuống theo đường thẳng.
  • Slider: Breaking ball, một dạng bóng cong nhưng độ xoáy ít và để tăng tốc độ (chỉ hơi cong).
  • Slurve: là một loại Breaking ball kết hợp giữa Slider và Curveball.
  • Screwball: là một loại Breaking ball, quỹ đạo bay ngược với Curveball và Slider.
  • Fork ball: Breaking ball, một loại đường bóng nhẹ và chậm, kèm độ lắc, dùng để lừa các Batter.
  • Change up: một loại Off speed, đường bóng giống Fast ball nhưng tốc độ chậm hơn và không thay đổi quỹ đạo.
  • Cirlce change up: là một loại Change up nhưng bóng thay đổi quỹ đạo khi bay.
  • 4-seam fast ball: bóng thẳng, tốc độ cao nhất trong tất cả các cú ném.
  • 2-seam fast ball: là một loại Fast ball nhưng có độ cắt từ trái sang phải.
  • Sinker: 2-seam fast ball cộng thêm quỹ đạo đi xuống.
  • Cutter: fast ball có độ cắt từ phải sang trái.
  • Splitter (split-finger fast ball): bóng đột ngột hạ xuống khi tới gần Batter.
  • Knuckleball: bóng chậm, không có độ xoáy nên đường bóng rất khó phán đoán, ngay cả Pitcher cũng không thể biết được quỹ đạo của bóng.
  • Eephus: bóng chậm (rất chậm), đi theo đường cầu vồng.

Thuật ngữ về các kiểu ném trong bóng chày

3. Quy định về sân thi đấu bóng chày tiêu chuẩn

Hiện nay một sân bóng chày được coi là đạt tiêu chuẩn phải đáp ứng những yếu tố sau:

  • Sân bóng chày có dạng hình quạt. Phần sân này thực chất là một phần tư của hình tròn, có tâm là Home Plate và bán kính là 2 đường phạm lỗi với chiều dài 99.06 – 137.16m. Sân thi đấu được chia làm 2 phần chính là khu vực trong sân và sân ngoài. Hai phần sân được ngăn cách với nhau bằng một đường vôi trắng.
  • Khu vực trong sân sẽ gồm một phần sân cỏ và một phần sân đất. Phần sân cỏ hình vuông được tạo thành từ Home Plate (gôn số 4) và gôn số 1, 2, 3 (dạng hình vuông cạnh khoảng 38cm), với mỗi cạnh dài 27.43m (4 gôn được đánh số theo ngược chiều kim đồng hồ). Tại tâm của hình vuông này có một gò ném bóng (nơi VĐV thực hiện các cú ném bóng). Từ tâm của gò ném, vẽ một đường tròn có bán kính 28.96m cắt 2 đường phạm lỗi tại 2 điểm (đây chính là đường phân cách giữa sân trong và sân ngoài). Tính từ đường phân cách này ra đến cuối sân được gọi là sân ngoài.

Quy định về sân thi đấu bóng chày tiêu chuẩn

3.1. Chi tiết cụ thể về sơ đồ phần khu vực trong sân

Trong khu vực trong sân của môn bóng chày bạn cần quan tâm đến các điểm mốc như sau:

  • Home Plate: vị trí nằm ở một góc sân và được đánh dấu bằng 1 phiến nhựa trắng, bao quanh là phần sân đất. Khu vực này được đánh dấu với hình dạng giống như một ngôi nhà có hướng mũi nhọn về phía góc sân và cách đều 2 đường phạm lỗi với cạnh dưới dài 43.18cm, 2 cạnh hai bên cao 21.5cm và hai cạnh chéo dài 30.38cm. Từ phần Home Plate vẽ một đường tròn bán kính 3.96m vào phía trong sân sẽ là vị trí sân đất.
  • Khu vực đánh bóng: là vị trí đứng của người đánh bóng để nhận các cú ném bóng đến từ Pitcher đội đối thủ. Khu vực này được giới hạn bằng các đường kẻ màu trắng xung quanh Home Plate (thường được tưới nước trước các trận đấu). Đặc biệt sân thi đấu có hai khu vực đánh bóng với kích thước 1.22 x 1.83m, tương ứng với hai bên trái và phải của Home Plate.
  • Khu vực bắt bóng: nằm ở phía sau Home Plate. Người bắt bóng bắt buộc phải đứng ở khu vực này để tránh phạm lỗi khi bóng được ném đi.
  • Gò và dĩa ném bóng: gò ném bóng là một hình tròn có đường kính 5.48m nằm ở tâm của 4 gôn và tâm của gò ném cách mặt sau của Home Plate 18.39m. Giữa gò là một dĩa ném bóng có kích thước 61 x 15 cm làm bằng nhựa trắng hình chữ nhật.
  • Gôn: dạng hình vuông, cạnh 38cm được làm bằng những vật liệu mềm và bọc bên ngoài bằng vải canvas hoặc cao su. Các gôn 1 và 3 được đặt hoàn toàn trong phần sân bóng chày phía trong, còn gôn 2 được nằm tại góc còn lại của phần sân cỏ hình vuông.

3.2. Chi tiết cụ thể về sơ đồ phần khu vực sân ngoài

Đối với phần sân ngoài bóng chày mọi người cần chú ý đến các vị trí sau:

  • Đường biên: đây là một dải sân đất nằm ở mép của sân bóng chày. Chiều rộng của đường biên này không được quy định cụ thể, thông thường chiều rộng từ 3 – 4.6 mét.
  • Hàng rào ngoài sân bóng chày: khu vực này dùng để đánh dấu ranh giới giữa sân ngoài và phần hàng ghế khán giả. Trong trường hợp bóng bay qua được hàng rào này mà không chạm đất và vẫn nằm trong khu vực hợp lệ thì sẽ được tính là một cú home-run.
  • Cột phạm lỗi: nằm ở giao điểm của đường phạm lỗi và đường cong giới hạn sân với mục đích giúp trọng tài phán đoán xem những quả bóng bay qua khỏi hàng rào cuối sân là phạm lỗi hay một cú home-run.

4. Quy định về dụng cụ thi đấu trong môn bóng chày

Để tham tập luyện, thi đấu bộ môn bóng chày mọi người cần chuẩn bị những dụng cụ bóng chày như sau:

4.1. Găng tay bóng chày (Baseball gloves)

Găng tay bóng chày thường được thiết kế dạng găng tay lớn làm bằng da hoặc da công nghiệp kết hợp nhựa PVC. Dụng cụ này được sử dụng dùng để bắt các trái bóng của đồng đội ném tới hoặc do đối thủ đánh bóng ra.

Chú ý: Đối với những VĐV đỡ bóng ngoài việc đeo găng tay bóng chày ra thì phải mặc thêm áo bảo vệ.

4.2. Quả bóng chày (Baseball Vector)

Quả bóng chày thường được làm từ chất liệu cao su, phía bên ngoài được phủ một lớp da và được quấn nối bằng các sợi chỉ hoặc dây màu. Hiện nay quả bóng chày được sản xuất gồm 2 loại:

  • Loại bóng mềm: dùng trong tập luyện, nhiều mức kích thước khác nhau, thường dùng trong SoftBall và bóng thi đấu cho học sinh tiểu học.
  • Loại bóng cứng: dành cho thi đấu, bóng có đường kính từ 72.9 – 74.8mm và trọng lượng khoảng 141.7 – 148.8gram.

Sản phẩm gợi ý:

4.3. Gậy bóng chày (Baseball Bat)

Gậy bóng chày thường có dạng hình côn to dần về phía đỉnh, vị trí tay cầm được thiết kế tăng độ ma sát. Gậy được làm bằng chất liệu gỗ hoặc kim loại mịn với chiều dài gậy không quá 42 inch (1.067m), đường kính gậy không quá 2.75 inch (6.985cm) và nặng dưới 1kg.

Quy định về dụng cụ thi đấu trong môn bóng chày

5. Luật thi đấu bóng chày cơ bản bạn cần nắm rõ

Cũng giống như các môn thể thao khác hiện nay thì đối với bóng chày cũng có cho mình bộ luật thi đấu riêng gồm:

5.1. Quy định về một trận thi đấu bóng chày

Dưới đây là một số quy định cơ bản trong một trận thi đấu bóng chày. Cụ thể như sau:

  • Theo luật bóng chày thì một trận đấu diễn ra gồm 2 đội giữa 1 đội phòng thủ và 1 đội tấn công, mỗi đội sẽ gồm 9 thành viên tương ứng với 9 vị trí trên sân và thông thường một trận đấu sẽ được diễn ra trong vòng 9 hiệp (9 inning). Hai đội sẽ đổi vai trò giữa tấn công và phòng thủ trong trường hợp nếu có 3 VĐV đội đánh bóng bị loại.
  • Trận đấu bóng chày sẽ được điều khiển bởi các Umpire (trọng tài).
  • Điểm số trong môn bóng chày được gọi là Runs, kết thúc 9 hiệp đấu đội nào ghi được nhiều điểm hơn sẽ dành chiến thắng. Trong trường hợp nếu hai đội thi đấu có khoảng cách chênh lệch quá khi đó trọng tài được quyền cho trận đấy kết thúc sớm. Đây được gọi là luật Called game.
  • Trong trường hợp hòa, hai đội sẽ tiến hành hiệp phụ cho đến khi tìm được người chiến thắng.

Luật thi đấu bóng chày cơ bản

5.2. Quy định về luật ghi điểm bóng chày

Theo luật môn bóng chày có quy định về cách ghi điểm như sau:

  • Để ghi điểm cho đội mình thì VĐV đánh bóng của đội tấn công phải dùng gậy đánh trúng bóng và để bóng bay càng xa càng tốt. Ngay sau đó, VĐV này phải chạy lần lượt đến các gôn và trở về Home Plate (dĩa nhà) trước khi các VĐV của đội phòng ngự bắt được bóng và loại mình (bằng các cách như force out, fly out và tag out).
  • Trong trường hợp VĐV đánh bóng thành công chạy đến Home Plate mà không bị các thành viên của đội phòng ngự loại thì ghi được 1 cú run hay 1 điểm cho đội của mình (đội tấn công).
  • Trong trường hợp VĐV đánh bóng cảm thấy mình không đến được gôn tiếp theo trước khi người giữ gôn đó bắt được bóng và loại mình thì VĐV có thể lựa chọn dừng ở bất kỳ gôn nào và trở thành Runner. VĐV này sẽ được chạy đến các gôn còn lại trong trường hợp đồng đội của mình đánh trúng bóng ở lượt tiếp theo. Lúc này, đội tấn công có thể ghi được một lúc nhiều điểm (tối đa 4 điểm) tùy thuộc vào số VĐV chạy được về dĩa nhà (Home Plate).
  • Luật bóng chày còn có quy định nếu VĐV đánh bóng có thể đưa trái bóng bay ra ngoài sân đến hàng ghế khán giả thì đội tấn công sẽ ghi được một cú Hone Run. Đây là cách ghi điểm trực tiếp (tức là có thể tùy ý chạy đến tất cả các điểm gôn trên sân mà không bị đội đối thủ cản trở).
  • Đối với đội phòng thủ họ sẽ cố gắng làm sao để bắt được trái bóng của đội tấn công đánh ra trước khi bóng chạm đất hoặc có thể bắt bóng sau đó chuyền cho các VĐV giữ gôn của đội mình. Các VĐV giữ gôn sẽ bắt bóng và cố gắng làm sao để chạy về gôn hoặc chạm vào người thành viên đội tấn công để loại họ khỏi hiệp đấu. Nếu loại được 3 VĐV của đội tấn công (đội đối thủ) khỏi sân thì 2 đội sẽ đổi vai trò cho nhau và kết thức 1 hiệp đấu.

Luật thi đấu bóng chày cơ bản

6. Hướng dẫn cách chơi bóng chày cơ bản dành cho người mới

Đội tấn công:

  • Với đội tấn công, cách chơi bóng chày là cố gắng thực hiện các cú đập bóng chính xác và chạy về vị trí các gôn. Gôn trong bóng chày được đánh số ngược chiều kim đồng hồ, khi chạy bạn chạy theo thứ tự từ phải sang trái từ vị trí dĩa nhà (gôn số 4 - Home Plate) tới gôn số 1 qua số 2 tới số 3 và cuối cùng là số 4 (vị trí người bắt bóng). Mỗi lần người đánh bóng chạy qua hết 4 gôn thì họ sẽ ghi 1 điểm cho đội của mình.
  • Với đội tấn công thì sẽ để lần lượt các Batter (người đánh bóng) lên đánh, mỗi Batter sẽ bị Out (bị loại) sau 3 Strike out (đập không trúng bóng) hoặc bị loại ngay lập tức trong trường hợp đập trúng bóng nhưng lại bị VĐV đội phòng thủ bắt bóng trên không khi bóng chưa chạm đất hay quá trình chạy về gôn thì VĐV phòng ngự ở gôn đó có bóng và chạm vào người (hoặc chiếm được gôn trước thời điểm Batter kịp chạy về đó).
  • Ngoài ra, Batter được phép đi bộ về gôn số 1 khi Pitcher ném bóng bay ra ngoài khu vực Strike, ném bóng cao, ném bóng thấp, ném bóng sát người Batter hoặc ném bóng trúng người Batter.
  • Trường hợp, Batter đập trúng bóng và chạy về gôn sẽ được gọi là Runner (người chạy gôn). Trong đó, Runner có nhiệm vụ chờ cho các Batter đập trúng bóng để chạy về các gôn kế tiếp nhằm ghi điểm. Ngoài ra trong lúc chờ bóng thì Runner có thể thực hiện chiến thuật Steath - cướp gôn (chạy trước khi bóng bị đập để tiết kiệm thời gian). Chiến thuật Steath này thường được áp dụng trong trường hợp các Batter sử dụng chiêu Bunt. Tuy nhiên rủi ro khi sử dụng chiến thuật này nếu có sơ hở sẽ bị Double Play (cả hai Runner cùng bị Out một lúc) hoặc Tripple Play (3 Runner bị out).

Cách chơi bóng chày cơ bản

Đội phòng thủ:

  • Nhiệm vụ của đội phòng thủ là cố gắng ngăn chặn những VĐV đội tấn công ghi điểm. Trong 9 VĐV của đội thì chỉ có duy nhất 2 vị trí là người ném bóng và người bắt là cố định còn những vị trí còn lại sẽ tùy ý thay đổi.
  • Với đội hình phòng thủ sẽ là cầu thủ ném bóng (Pitcher), cầu thủ bắt bóng (Catcher), chốt gôn 1 (First baseman), chốt gôn 2 (Second baseman), chốt gôn 3 (Third baseman), chặn ngắn (Shortstop), trái ngoài (Left fielder), giữa ngoài (Center fielder), phải ngoài (Right fielder).

Cách chơi bóng chày cơ bản

Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết nhất về luật thi đấu bóng chày, cách chơi bóng chày và những kiến thức liên quan đến bộ môn bóng chày. Hi vọng sau khi theo dõi bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu biết hơn về bộ môn này. Xin chào và hẹn gặp lại ở các bài viết tiếp theo của WikiSport!

(5/5, 4 đánh giá)
WikiSport

WikiSport phân phối hàng trăm mẫu Máy Chạy Bộ, Xe Đạp Tập, Ghế Tập Gym, Giàn Tạ Đa Năng và các thiết bị thể thao khác... giá tốt, chất lượng, giao hàng Toàn Quốc nhanh chóng.

Bình luận
Chat Facebook Chat Zalo