icon cart0

[Chia sẻ] Kỹ thuật chuyền bóng cao tay từ các HLV bóng chuyền

Trong môn bóng chuyền việc thực hiện tốt kỹ thuật chuyền bóng cao tay là hết sức cần thiết và quan trọng với tất cả người chơi. Nếu bạn chưa nắm chắc hoặc chưa thực hiện tốt kỹ thuật chuyền bóng này, hãy tham khảo bài những chia sẻ dưới đây!

Sản phẩm gợi ý:

1. Kỹ thuật chuyền bóng cao tay cơ bản là gì?

- Chuyền bóng cao tay là phương pháp chủ yếu của kỹ thuật chuyền bóng trong thi đấu bóng chuyền. Kỹ thuật này sử dụng những ngón tay để chuyền bóng.

- Vị trí bàn tay tiếp xúc bóng khi chuyền luôn luôn ở trước mặt với độ cao ngang trán hoặc trên đỉnh đầu. Khi thực hiện động tác, mắt có thể quan sát được tay, bóng, vị trí muốn chuyền tới. Chuyền bóng cao tay sử dụng các bộ phận linh hoạt, khéo léo nhất của cơ thể, cụ thể là các ngón tay, cổ tay góp phần tạo ra độ chuẩn xác cao, biến hoá trong các đường bóng.

- Có thể nói đây là điểm nối tiếp giữa phòng thủ và tấn công, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng các đường tấn công của đội. Đặc biệt, khi vận dụng tốt kỹ thuật chuyền bóng này còn có thể thực hiện các cú bỏ nhỏ vào chỗ trống trên sân đối phương, tạo sự đột biến cao.

- Cách chuyền bóng cao tay bao gồm: chuyền bóng trước mặt, chuyền lật sau đầu, nhảy chuyền bằng hai tay, một tay, ngã chuyền bóng, chuyền bước hai. Ngoài ra nó còn có một số dạng khác phụ thuộc vào tư thế người chuyền.

Kỹ thuật chuyền bóng cao tay cơ bản là gì?

2. Hướng dẫn kỹ thuật chuyền bóng cao tay bằng hai tay từ HLV

Để thực hiện tốt kỹ thuật chuyền bóng này thì trước tiên bạn phải xác định hướng bóng bay tới để nhanh chóng di chuyển đến đón bóng.

Đối với tập kỹ thuật chuyền bóng cao tay bằng hai tay thường được chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể như sau:

Sản phẩm gợi ý:

2.1. Tư thế chuẩn bị

Sau khi ổn định vị trí, tiếp đến bạn chuẩn bị chuyền bóng ở tư thế trung bình, hai chân rộng bằng vai, chân trước chân sau, gối hơi khuỵu xuống (không nhỏ hơn 90 độ), thân trên thẳng, bụng hóp lại, mặt ngửa, mắt quan sát bóng. Đồng thời hai tay dơ cao, hai bàn tay ngửa ra hợp thành hình túi để chuẩn bị chuyền bóng, các ngón tay hướng ra trước đầu ở tầm thích hợp sao cho tư thế chuyền thoải mái, không bị gò bó làm ảnh hưởng đến kỹ thuật chuyền bóng.

Tư thế chuẩn bị trong chuyền bóng cao tay

2.2. Thực hiện động tác

- Bóng tiếp xúc đều trên các ngón tay và hơi chếch xuống bên dưới của bóng. Vị trí chuyền bóng tốt nhất là tay cách mặt bằng bán kính quả bóng, độ cao ngang hoặc trên trán và cách khoảng 15-20cm.

Lưu ý: Tùy thuộc vào trình độ, đặc điểm của từng người, tính huống cụ thể mà tầm chuyền có thể thay đổi.

- Khi bóng tới gần thì 2 chân duỗi khớp gối, đẩy người lên hơi chếch ra phía trước và hai tay vươn, duỗi khớp khuỷu tay để chuẩn bị đón bóng.

- Khi thực hiện động tác chuyền bóng, bạn cần phối hợp từ lực đạp của chân, lực vươn lên cao ra trước của thân người và lực đẩy của tay lên cao ra trước với một góc độ từ 60-65 độ. Chuyền bóng đi theo hướng đã định và quá trình vận động của tay khi chuyền bóng liên tục không thay đổi.

- Để điều chỉnh hướng bóng, hai lòng bàn tay phải vuông góc với hướng bóng chuyền đi, khi hai tay chạm đẩy bóng thì bàn tay hơi ưỡn ra sau. Trong đó thực hiện đẩy bóng thì chức năng của từng ngón tay sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Ngón tay cái hướng ra sau chịu lực chính và cùng với các ngón tay khác bật đẩy bóng theo hướng chuyền.
  • Ngón tay trỏ và ngón giữa là bộ phận bật đẩy chính của bàn tay.
  • Ngón đeo nhẫn và ngón út chỉ giữ phía bên trong của bóng và điều chỉnh hướng bóng đi.

Lưu ý: khi thực hiện động tác thì bóng không được tiếp xúc vào lòng bàn tay, chỉ tiếp xúc trên các đầu ngón tay.

Thực hiện kỹ thuật chuyền bóng cao tay

2.3. Kết thúc chuyền bóng

Khi bóng rời tay, cả chân và tay tiếp tục vươn duỗi hết rồi dừng lại, động tác này gọi là chuyển động tay vươn theo bóng. Sau đó, nhanh chóng trở về tư thế chuẩn bị để sau đó tiếp tục thực hiện những động tác tiếp theo.

3. Hình tay khi chạm bóng trong kỹ thuật chuyền bóng cao tay

Hình tay khi chuyền (chạm) bóng là một hình túi bằng các ngón tay bao quanh 2 phần 3 quả bóng về phía sau. Vị trí từng ngón tay tiếp xúc với quả bóng chuyền như sau:

  • Ngón cái tiếp xúc với bằng bề mặt phần trong đốt 2 và 1 phần đốt thứ nhất.
  • Ngón trỏ tiếp xúc với nhiều nhất gần như hết bề mặt của 3 đón ngón tay.
  • Ngón giữa tiếp xúc bằng bề mặt phần trong của đốt thứ 2, 3 và 1 phần đốt thứ nhất.
  • Ngón đeo nhẫn tiếp xúc bóng bằng bề mặt phần trong của đốt thứ 3 và 1 phần đốt thứ 2.
  • Ngón út tiếp xúc với bóng với một phần nhỏ bề mặt phía trong của đốt thứ 3.

Hình tay khi chạm bóng trong kỹ thuật chuyền bóng cao tay

4. Những lưu ý khi thực hiện chuyền bóng cao tay cần nắm rõ

- Cần khởi động kỹ trước khi tập luyện hoặc thi đấu.

- Nên tập luyện thật chậm để có động tác chính xác nhất, sau đó mới nhanh dần. Hãy nhờ huấn luyện viên hoặc bạn chơi điều chỉnh động tác, hỗ trợ tập luyện.

- Tập luyện thật kỹ trước khi đi vào thi đấu. Bởi động tác này có thể gây chấn thương đến ngón tay, cổ tay nếu thực hiện không đúng.

- Thực hiện sai kỹ thuật. Cụ thể như:

  • Sai hình tay khi tiếp xúc bóng: Nguyên nhân chính dẫn tới lỗi này là các ngón tay dơ xa về phía trước. Điều này dẫn tới hiện tượng sai khớp. Để khắc phục lỗi này, người chơi cần tập bắt bóng nhồi, tập tung bóng, chuyền bóng tại chỗ trước khi tập kỹ thuật chuyền bóng cao tay.
  • Tay đưa ra quá sớm: Lỗi này thường gặp ở những người chơi mới. Đây là nguyên nhân dẫn tới lỗi dính bóng và làm giảm lực khi chuyền bóng. Để khắc phục lỗi này, đòi hỏi người chơi cần tập luyện nhuần nhuyễn và tích lũy kinh nghiệm khi thi đấu.
  • Đứng sai hướng bóng: Chọn sai vị trí đón bóng là do bạn đoán sai hướng bóng. Để có thể đoán đúng hướng bóng, bạn cần đọc được di chuyển của đối thủ, cũng như đồng đội. Điều này phần nhiều dựa vào kinh nghiệm của bạn. Bên cạnh tập luyện chăm chỉ, bạn cần quan sát và tích lũy kinh nghiệm từ người khác.

Kỹ thuật chuyền bóng cao tay

5. Các bài tập cơ bản giúp làm quen với kỹ thuật chuyền bóng cao tay

Dưới đây là một số bài tập chuyền bóng cao tay dành cho người mới tập, giúp bạn làm quen và thực hiện kỹ thuật này nhuần nhuyễn và tốt hơn. Cụ thể như sau:

5.1. Tập hình tay tiếp xúc bóng

  • Bài tập 1: Tự tung bóng lên cao, cho bóng rơi vào tay với tư thế chuyền bóng trên đầu.
  • Bài tập 2: Hai người đứng đối diện cách nhau 1m, một người làm tư thế chuyền bóng, người kia tung nhẹ bóng vào tay người chuyền bóng để bắt giữ bóng.
  • Bài tập 3: Đứng ở tư thế chuyền bóng, chuyền nhẹ nhiều lần vào bóng treo trên dây cố định tạo cảm giác tiếp xúc bóng.

5.2. Tập động tác tay

  • Bài tập 1: Hai người đứng đối diện cách nhau 4m, một người cầm bóng ngang ngực (ở tư thế tay chuyền bóng) đẩy bóng về phía người còn lại, người cùng tập bắt bóng và làm động tác như người thứ nhất đẩy bóng trở lại.
  • Bài tập 2: Một người ngồi trên đất, một người cầm bóng đứng cách xa 3 đến 4m và tung nhẹ bóng cho người ngồi chuyền bóng trở lại sau đó đổi vị trí cho nhau.

5.3. Tập động tác chân

  • Bài tập 1: Mỗi người một quả bóng tự tung lên cao, khi bóng rơi xuống đúng tầm rồi chuyền bóng đi.
  • Bài tập 2: Hai người đứng cách nhau 3m. Người thứ nhất ngồi xổm, người thứ hai tung bóng cho người số 1. Khi bóng đến đúng tầm thì người ngồi xổm nhanh đứng dậy chuyền bóng đi.

5.4. Phối hợp các động tác

  • Bài tập 1: Mỗi người tự mô phỏng kỹ thuật chuyền bóng có sự kết hợp lực nhịp nhàng giữa tay, thân và chân.
  • Bài tập 2: Từng người tự mình tung bóng lên cao, sau đó kết hợp lực chuyền bóng liên tục lên cao.
  • Bài tập 3: Hai người thực hiện chuyền bóng liên tục cho nhau, đứng cách nhau 3-4m.

Hi vọng với những thông tin khá chi tiết về kỹ thuật chuyền bóng cao tay trước mặt được WikiSport chia sẻ sẽ góp phần giúp bạn nắm chắc kiến thức về kỹ thuật chuyền bóng, từ đó hỗ trợ quá trình tập luyện đạt hiệu quả tốt hơn. Chúc mọi người thành công!

(4.6/5, 5 đánh giá)
WikiSport

WikiSport phân phối hàng trăm mẫu Máy Chạy Bộ, Xe Đạp Tập, Ghế Tập Gym, Giàn Tạ Đa Năng và các thiết bị thể thao khác... giá tốt, chất lượng, giao hàng Toàn Quốc nhanh chóng.

Bình luận
Chat Facebook Chat Zalo