icon cart0

[Tìm hiểu] Các vị trí trong bóng chuyền & Một số đội hình thi đấu

Các vị trí trong bóng chuyền, cách sắp xếp đội hình chiến thuật là những kiến thức cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng dành cho tất cả những ai yêu thích và có niềm đam mê với môn thể thao đồng đội này cần phải quan tâm. Không biết mọi người đã nắm rõ được những kiến thức về từng vị trí và các đội hình trong bóng chuyền chưa? Nếu chưa rõ, hãy theo dõi bài chia sẻ của WikiSport về chủ đề thú vị này nhé!

1. Sơ lược về môn bóng chuyền

Bóng chuyền là một bộ môn thể thao gồm 2 đội thi đấu với nhau trên sâu hình chữ nhật có diện tích 9 x 18m. Sân thi đấu được chia làm 2 phần bằng nhau có vách lưới ở giữa ngăn cách hai phần sân (chiều cao của lưới 2.43m đối với nam và 2.24m với nữ).

Ở mỗi trận thi đấu bóng chuyền chính thức thì mỗi đội sẽ có 6 thành viên tham gia. Các VĐV có thể dùng bất kỳ tay hay bộ phận trên cơ thể từ thắt lưng trở lên để đánh bóng qua lưới sao cho chạm đất trong phần sân đối phương hoặc chạm vào đối phương bay ra ngoài sẽ được tính điểm. Trong mỗi tình hướng đánh bóng mỗi đội được phép chạm bóng tối đa 3 lần (không kể quả chắn bóng) nhưng mỗi VĐV chỉ được phép chạm bóng 1/3 lần (trừ VĐV chặn bóng).

Hiện nay, bóng chuyền là môn thể thao đang phát triển từ phong trào đến chuyên nghiệp thu hút số lượng lớn người chơi tại Việt Nam.

Sơ lược về môn bóng chuyền

2. Các vị trí thi đấu trên sân bóng chuyền

Với đội hình 6 người trong môn bóng chuyền thì mỗi thành viên sẽ nắm một vai trò, vị trí khác nhau trong đội hình chiến thuật của đội. Tên các vị trí trong bóng chuyền được gọi cụ thể như sau:

2.1. Vị trí chuyền 2

Vị trí chuyền 2 là chạm bóng thứ 2 trong các đường bóng của đội mình, có trách nhiệm đưa bóng đến đúng vị trí các tay đập để cố gắng ghi điểm. Do là vị trí cầu nối có nhiệm vụ điều phối, giữ nhịp trong các đợt tấn công của toàn đội nên VĐV chơi tại vị trí này được yêu cầu cần phải có sự nhanh nhẹn, tốc độ để di chuyển khắp mặt sân và phải là người có kinh nghiệm để đưa ra những đường chuyền đưa đồng đội vào vị trí thuận lợi nhất để ghi điểm.

Đôi khi vị trí chuyền 2 có thể trực tiếp đánh bóng sang phần sân đối phương mà không cần phối hợp với đồng đội nếu có cơ hội ghi điểm.

Vị trí chuyền 2

2.2. Vị trí Libero

Libero là vị trí trong bóng chuyền không cần chiều cao quá tốt như các VĐV bóng chuyền khác và khi thi đấu sẽ được mặc trang phục khác màu so với các vị trí trên sân bóng chuyền của đội. Vị trí Libero có thể thay thế bất kỳ vị trí nào trên sân trong một trận đấu nhưng mỗi đội chỉ được duy nhất một Libero.

Đây là vị trí cực kỳ đặc biệt và quan trọng trong thành công của đội. Trên sân đấu Libero không được phát bóng, chắn bóng hoặc định chắn bóng và không cần tham gia vào các đường tấn công mà chỉ cần chuyên tâm về mặt phòng thủ cho đội. Chính vì thế người chơi tại vị trí Libero phải có khả năng và kỹ thuật đỡ bóng bước 1 tốt, đồng thời phải có sự nhanh nhẹn, phản ứng nhanh trong các tình huống đối thủ tổ chức tấn công giúp đội nhà giải nguy.

Vị trí Libero

2.3. Vị trí phụ công (Middle blockers / Middle hitters)

Vị trí phụ công hay còn được gọi với cái tên khác là Middle blockers (tay chắn giữa) hay Middle hitters (tay đập giữa). Vị trí bóng chuyền này cần phải có sự nhanh nhẹn, sức bật tốt vừa phải cân bằng giữa tấn công và phòng thủ cho đội.

Khi tấn công thì vị trí phụ công sẽ đứng gần và di chuyển xoay quang vị trí chuyền 2 để phối hợp tạo các đường tấn công nhanh, chớp nhoáng.

Còn ở trạng thái phòng thủ thì phụ công sẽ tạo một rào chắn sát và dưới lưới hoặc sát biên bật cao chặn các đường bóng mà đối thủ tấn công sang phần sân đội mình.

Hiện nay tại các đội bóng chuyền từ bán chuyên đến chuyên nghiệp đều sử dụng 2 VĐV chơi ở vị trí phụ công để giúp đội cân bằng giữa tấn công và phòng thủ.

 Vị trí phụ công

2.4. Vị trí chủ công (Outside hitters / Left side hitters)

Vị trí chủ công được gọi với tên khác là Outside hitters (tay đập ngoài / tay đập biên) hay Left side hitters (tay đập biên bên trái) tấn công từ phía bên trái cọc biên (antenna). Đây là tay đập chính, chủ lực đảm nhiệm vai trò tấn công ghi điểm cho đội.

VĐV chơi tại vị trí này sẽ phải có chiều cao, sức bật tốt và có những cú đập bóng uy lực gây khó khăn trong việc phòng ngự của đội đối thủ.

Chủ công sẽ nhận các đường chuyền bóng từ vị trí chuyền 2 hoặc các pha bắt bóng bước 1 không tốt từ Libero và thực hiện các cú đập bóng để ghi điểm.

Trong các trận đấu bóng chuyền hiện nay các đội thường lựa chọn 2 VĐV chơi tại vị chủ công để tạo sự đa dạng, khó đoán hơn trong các đợt tổ chức tấn công.

Vị trí chủ công

2.5. Vị trí đối chuyền (Opposite hitters / Right side hitters)

Đối chuyền còn được gọi là Opposite hitters hay Right side hitters (tay đập biên bên phải).

Họ là những VĐV có khả năng phán đoán tình huống tốt đảm nhiệm phòng thủ khu vực dưới lưới bằng cách tạo ra hàng rào chắn để chặn các cú đập bóng từ chủ lực bên phía đối thủ, đồng thời đóng vai trò như là một chuyền 2 khác của đội.

Vị trí đối chuyền

3. Các đội hình chiến thuật trong môn bóng chuyền

Trong các trận thi đấu bóng chuyền hiện nay thì các đội tuyển thường sử dụng chiến thuật khác nhau sao cho phù hợp với chất lượng VĐV của đội để các vị trí trên sân bóng chuyền phát huy tốt đa thế mạnh giúp đội tuyển thi đấu gắn kết và tốt hơn. Một số cách sắp xếp đội hình bóng chuyền được áp dụng nhiều nhất trong thi đấu là đội hình 4-2, đội hình 5-1, đội hình 6-2. Thông tin cụ thể từng đội hình như sau:

3.1. Đội hình chiến thuật 4-2

Đây là đội hình bóng chuyền cơ bản được sử dụng nhiều cho người mới chơi khi sử dụng 4 tay đập và 2 tay chuyền 2. Chuyền 2 thường chuyền banh từ giữa hoặc bên phải của hàng trên.

Đội hình này sẽ vận hành bằng cách hai vị trí chuyền 2 sẽ di chuyển đối điện nhau, 2 tay đập chủ công sẽ đứng ở vị trí nhận bóng tốt nhất từ chuyền 2 và 2 tay đập còn lại sẽ di chuyển khi cần thiết để tạo ra các thể bóng đẹp nhất.

Đội hình 4-2 có thể dễ dàng chuyển thành các đội hình tấn công khác một cách nhanh chóng trên sân. Vị trí của hai chuyền 2 sẽ đứng đối diện nhau trong các lần quay vòng đội hình. Hàng trên thường có 2 chủ công. Với cách xếp như vậy, các VĐV đều sẽ đứng đúng vị trí ở hàng trước hoặc sau.

Sau khi giao bóng, VĐV đứng ở trí hàng trước sẽ thay đổi vị trí của mình để chuyền 2 luôn được đứng ở giữa lưới. Mặt khác, một chuyền 2 sẽ di chuyển vào vị trí bên phải lưới và có cả tay đập giữa và tay đập biên. Khi sắp xếp đội hình kiểu này sẽ thiếu đối chuyền, điều này cho phép một trong các tay chắn của đối phương được rảnh tay ở hàng chắn giữa.

Chính vì điểm bất lợi khi thiếu 1 đối chuyền khiến việc tấn công của đội hình 4-2 trở nên mỏng hơn và rất dễ bị đối phương hóa giải. Việc thiểu 1 tay đập biên phải (đối chuyền) khiến chuyền hai luôn phải hướng đường tấn công sang bên trái cho chủ công và ở giữa. Điều này gây nên sự nhàm chán trong lối chơi và không tạo được sự biến hóa, bất ngờ cho đối thủ.

Tuy nhiên cũng có điểm mạnh ở cách bố trí đội hình này, có thể thấy chuyền 2 chính là linh hồn cho đợt tấn công. Khi chuyền 2 đứng ở giữa sân, họ có thể 'tip' hay 'dump'. Vì thế khiến đối phương khi lập hàng chắn phải đề phòng với cả chuyền 2 nên trong một vài trường hợp sẽ để lộ sơ hở và giúp cho tay đập của đội mình có thể tấn công dễ dàng hơn.

Ưu điểm: Đội hình này là có thể dễ dàng chuyển thành đội hình tấn công khác nhau một cách linh hoạt, nhanh chóng và có sự cân đối vị trí đứng của VĐV ở trước, sau giúp đội hình không bị loạn trong quá trình thi đấu.

Nhược điểm: Do đội hình này sẽ tập chung bóng cho 2 tay đập chính nên ít vũ khí tấn công so với các đội hình khác và dễ bị bắt bài hơn.

Đội hình chiến thuật 4-2

3.2. Đội hình chiến thuật 6-2

Với đội hình này thực ra là cũng giống cách 4-2 nhưng có biến tấu đi đôi chút do chuyền 2 ở hàng sau là người thực hiện chạm bóng lần 2.

Đội hình 6-2, VĐV thường từ hàng sau lao về phía trước để chuyền 2. Hàng trước có 3 VĐV đứng đều ở vị trí sẵn sàng tấn công và toàn bộ đội hình trên sân đều có thể là tay đập, trong đó có hai VĐV hoạt động như là chuyền 2. Sự linh động trong cách di chuyển các vị trí của đội hình này khiến đối thủ rất khó phán đoán hướng tấn công để phòng thủ một cách hiệu quả.

Đội hình 6-2 mở rộng đòi hỏi có tới 2 chuyền 2, người mà sẽ chuyển lên hàng trên lẫn nhau sau mỗi lần quay vòng đội hình. Như là một sự hỗ trợ cho chuyền 2, việc nâng hàng sẽ có 2 tay đập giữa, 2 tay đập biên. Cách xếp đội hình này sẽ luôn có một trong các vị trí này nằm ở hàng trước hoặc hàng sau. Sau khi bóng được giao, VĐV ở hàng trước sẽ di chuyển về vị trí đúng của mình.

Ưu điểm của đội hình này là luôn có 3 tay đập ở tư thế sẵn sàng, nhiều nhất trong các khả năng tấn công. Tuy nhiên, đội hình 6-2 đòi hỏi đội phải có 2 chuyền 2 tốt, mà còn phải là những VĐV chắn bóng hiệu quả không chỉ ở vị trí chuyền 2.

Đội hình chiến thuật 6-2

3.3. Đội hình chiến thuật 5-1

Đội hình tấn công 5-1 thực chất là sự kết hợp của 6-2 và 4-2. Nếu vị trí chuyền 2 của đội ở phía trên thì sẽ tấn công giống đội hình 4-2 và ở dưới sẽ tấn công theo đội hình 6-2. Đây chính là đội hình được áp dụng phổ biến tại các đội bóng chuyền chuyên nghiệp hiện nay.

Trong đội hình này chỉ có 1 vị trí chuyền 2 duy nhất ngay cả khi đội hình quay vòng. Chính vì thế với đội hình này sẽ có 3 tay đập ở hàng trên khi chuyền 2 ở hàng dưới và có 2 tay đập khi chuyền 2 ở hàng trên, vậy nên ta có thể có tới 5 tay đập. Cách sắp xếp này khiến đội sẵn sàng chuyển sang tư thế phòng thủ một cách dễ dàng khi đối phương tấn công.

Người đứng đối diện với chuyền 2 khi xoay trong chiến thuật trong đội hình 5-1 sẽ đóng vai trò là một Opposite hitters (đối chuyền), vị trí này sẽ không đỡ bóng bước 1 mà sẽ đứng ra sau đồng độị. Khi chuyền 2 ở phía trên thì vị trí Opposite hitters được sử dụng là phương án tấn công thứ 3 (Back-row attack). Chính vì thế vị trí đối chuyền trong đội hình 5-1 thường được gọi là phụ công. Đây là phương án tấn công được rất nhiều đội sử dụng.

Người chơi ở vị trí Opposite hitter trong đội hình này phải là người có nhiều kĩ năng tấn công nhất trong đội, có thể đánh lừa hàng chắn đối phương bằng những đường chuyền bất ngờ khiến hàng thủ không kịp phản xạ để chắn bóng và là phương án tấn công Back-row attack thường đến từ vị trí bên phải của hàng dưới (vị trí số 1). Cái hay của vị trí này trong đội hình 5-1 là gia tăng khả năng của vị trí số 6 trong bóng chuyền đỉnh cao.

Ưu điểm: Thứ nhất, đội hình này là chuyền 2 luôn có 3 tay đập để chuyền bóng. Nếu chuyền 2 làm tốt nhiệm vụ của mình thì hàng chắn giữa của đối phương sẽ không có đủ thời gian để chắn bóng cùng với tay chắn biên, tăng khả năng thành công khi tấn công. Thứ hai, khi chuyền 2 ở hàng trên thì chuyền 2 chọn thời điểm thích hợp và phương án tấn công hợp lý có thể nhảy và dump hoặc chuyền bóng cho tay đập đang chờ sẵn góp phần làm rối loạn hàng thủ của đối phương.

Đội hình chiến thuật 5-1

4. Cách thay đổi vị trí trong bóng chuyền

Thay đổi vị trí trong bóng chuyền còn được gọi với tên khác là đổi cầu trong bóng chuyền. Các VĐV sẽ xoay vòng đội hình theo chiều kim đồng hồ. Dưới đây là một số thay đổi vị trí trong các lần đổi cầu áp dụng với từng loại đội hình. Cụ thể như sau:

Lưu ý: Hình ảnh minh họa cách đổi cầu lần 1, 2, 3. Trình tự đổi cầu lần 4, 5, 6 tương tự như lần 1, 2, 3. Một chu kỳ đổi cầu gồm 6 lần, sau đó đội hình sẽ quay lại vị trí như lúc xuất phát. Trong trận đấu cứ quá trình đổi cầu sẽ diễn ra trình từ này sẽ không thay đổi.

Cách thay đổi vị trí trong bóng chuyền

Trên đây, WikiSport đã gửi đến các bạn quan tâm và yêu thích bộ môn bóng chuyền một bài viết chi tiết về các vị trí trong bóng chuyền và một số chiến thuật thi đấu bóng chuyền đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Hi vọng với những kiến thức bổ ích này sẽ góp phần nhỏ giúp mọi người hiểu rõ hơn và nắm chắc kiến thức cơ bản về bộ môn này.

Để tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích hơn nữa về nhiều các môn thể thao khác nhau hãy truy cập vào trang tin tức của WikiSport nhé mọi người !

(5/5, 5 đánh giá)
WikiSport

WikiSport phân phối hàng trăm mẫu Máy Chạy Bộ, Xe Đạp Tập, Ghế Tập Gym, Giàn Tạ Đa Năng và các thiết bị thể thao khác... giá tốt, chất lượng, giao hàng Toàn Quốc nhanh chóng.

Bình luận
Chat Facebook Chat Zalo